Chó Chihuahua – Nguồn gốc, đặc điểm, cách nuôi & Giá bán

Chó Chihuahua là một trong những giống chó phổ biến nhất tại Việt Nam. Chúng được yêu thương bởi thân hình nhỏ bé và tính cách hiếu động. Mặc dù, không quá kiêu sa, vạm vỡ nhưng chúng vẫn trở thành lựa chọn ưu tiên hàng đầu của nhiều người. 

Vậy Chihuahua có nguồn gốc từ đâu? Đặc điểm, cách chăm sóc cũng như bảng giá của chúng hiện nay như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết hôm nay nhé!

Nguồn gốc

Chihuahua là loại chó có lịch sử phát triển lâu đời nhất ở Châu Mỹ. Tổ tiên của Chihuahua có xuất xứ từ Mexico, tên gọi Chihuahua cũng được lấy theo tên của một tiểu bang thuộc nước này – nơi mà lần đầu tiên con người phát hiện ra chúng. Tuy nhiên, người có công giúp giống chó này được biết đến trên toàn thế giới lại là người Trung Quốc.

Tổ tiên của Chihuahua có xuất xứ từ Mexico

Tương truyền, trước khi Colombo đặt chân đến Châu Mỹ, tất cả thổ dân da đỏ đều có niềm tin rằng: Chihuahua có sự liên kết chặt chẽ với các vị Thần linh thiêng. Bởi vậy, Chihuahua rất được coi trọng ở thời kỳ này.

Chihuahua mới bắt đầu du nhập vào Châu Âu vào những năm cuối của thế kỷ 19 thông qua các cuộc phát kiến thuộc địa. 

Chihuahua – Đặc điểm nổi bật

Chihuahua là một trong những loại chó có thân hình nhỏ nhất thế giới. Trọng lượng trung bình của Chihuahua nằm trong khoảng từ 1 – 3kg và chiều dài trung bình khoảng từ 13 – 23cm. Tuy nhiên, những người sành về giống chó này đều đồng ý rằng: những con chó Chihuahua thuộc loại quý nhất thường có chỉ số cân nặng dưới 1.3kg.

Mặc dù có thân hình nhỏ bé nhưng Chihuahua lại sở hữu một cái đầu khá to với đôi tai vểnh và một chiếc mõm ngắn. Điểm thu hút nhất trên khuôn mặt của Chihuahua có lẽ là đôi mắt. Chúng có một đôi mắt đen, to tròn, lấp lánh như những viên ruby. Ngoài màu đen huyền bí, cũng có những con có đôi mắt màu đỏ sẫm thuộc vào loại rất hiếm.

Phần đỉnh đầu của chó con sẽ có một chóp thở mềm được bao bọc bởi lớp lông. Đây cũng chính là điểm yếu trên cơ thể Chihuahua, không thể chịu tác động của lực quá mạnh. Khi cún con trưởng thành, phần chóp thở này sẽ được che phủ kín bởi xương sọ và trở nên cứng cáp hơn.

Chihuahua có một hàm răng nhọn và sắc bén giúp chúng dễ dàng cắn xé các loại thức ăn. Đồng thời, đây cũng là một loại vũ khí tự vệ vô cùng hữu hiệu. Chiều dài cơ thể Chihuahua có xu hướng lớn hơn so với chiều cao. Ngoài ra, chúng còn có một chiếc đuôi ngắn thường uốn cong hoặc vắt hẳn sang một bên.

Chihuahua là loại chó có thân hình nhỏ bé nhất thế giới

Chihuahua có màu lông khá đa dạng. Bộ lông của chúng có thể thuần một màu cũng có thể pha trộn giữa hai hoặc ba màu sắc khác nhau. Những màu lông thường gặp nhất ở giống chó này là: vàng cát, nâu nhạt, xanh thép, nâu hạt dẻ, vàng cam pha trắng, đen pha trắng,…
Giống chó này được chia làm hai loại chính là: Chihuahua lông dài và Chihuahua lông ngắn. Xét về tổng quan ngoại hình thì hai loại này không có quá nhiều sự khác biệt. Đặc điểm nổi bật nhất giúp phân biệt chúng chính là bộ lông. Tuy nhiên, Chihuahua lông ngắn phổ biến và được ưa chuộng hơn ở Việt Nam.

Tính cách

Trái ngược với thân hình nhỏ bé, Chihuahua là giống chó khá mạnh mẽ, sôi nổi và hoạt bát. Chúng rất quấn quýt và thân thiết với chủ, luôn cần được quan tâm, chăm sóc. Chúng thường có nhiều hành động để bày tỏ sự thân thiết như liếm mặt, chạy loăng quăng quanh chân hoặc sát phía sau chủ,….

Mặc dù vậy, Chihuahua khá dữ dằn và phòng bị đối với người lạ. Nó sẵn sàng chiến đấu, gầm gừ đe dọa khi phát hiện ra kẻ lạ đột nhập vào lãnh thổ của nó, trừ khi được chủ nhân của chúng đồng ý.

Chihuahua thuộc loại khá ương bướng và dữ dằn. Chúng có khá nhiều tật xấu như đi vệ sinh bừa bãi, thích sủa, thậm chí còn hay cắn bắt nạt những sinh vật yếu ớt hơn như trẻ em,.. Do đó, người nuôi Chihuahua phải có đủ sự kiên nhẫn và thời gian để dạy bảo và huấn luyện chúng.

Chihuahua có tốc độ phản ứng rất nhanh và linh hoạt. Đặc điểm này giúp chúng thoát khỏi việc bị người khác sơ ý giẫm đạp vì thân hình quá nhỏ. Thêm vào đó, thính giác của loài chó này vô cùng nhạy bén. Chúng có thể nghe thấy những tiếng động từ khoảng cách khá xa. Khả năng này giúp chúng dễ dàng tránh xa khỏi những mối nguy hiểm.

Hướng dẫn cách chăm sóc Chihuahua từ A – Z

So với các loại thú cưng khác, Chihuahua khá khó chiều. Mỗi chế độ sinh hoạt của chúng đều sẽ có những yêu cầu riêng. Những thông tin được chia sẻ dưới đây sẽ giúp các bạn dễ dàng hơn trong việc chăm sóc Chihuahua.

Chế độ ăn

Lượng thức ăn cần tương xứng với trọng lượng cơ thể của chúng

Chihuahua khá kén chọn trong vấn đề ăn uống. Thức ăn của chúng đòi hỏi sự chọn lọc, không thể tạp nham như một số giống chó khác. Hơn nữa, trọng lượng cơ thể của Chihuahua rất nhỏ nên lượng thức ăn chúng tiêu thụ cũng không nhiều. Khi xây dựng khẩu phần ăn cho Chihuahua, bạn cần lưu ý một số điều sau:

  • Ưu tiên chọn những loại thực phẩm tươi mới, chứa nhiều chất dinh dưỡng nhưng phải dễ tiêu hóa. Ngoài các loại thịt, cá, trứng, sữa, nội tạng động vật,…thì các loại rau củ chứa vitamin và chất xơ là thành phần không thể thiếu;
  • Các loại thức ăn phải nấu chín trước khi cho ăn, chỉ nên cho một ít gia vị;
  • Khẩu phần ăn cần cân đối, chứa đầy đủ các chất, bao gồm: tinh bột, protein, vitamin, chất xơ và chất béo (chiếm tỉ lệ rất nhỏ);
  • Nếu quá bận, bạn có thể cho chúng ăn thêm các loại thức ăn viên tổng hợp bán trong siêu thị nhưng không nên cho ăn quá thường xuyên vì các loại thức ăn này chứa khá nhiều tinh bột;
  • Không để Chihuahua ăn phải những thực phẩm lạ, liếm phân, đặc biệt là socola;
  • Nên cắt hoặc thái thức ăn thành từng miếng nhỏ để giúp Chihuahua tiêu hóa dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó, ở mỗi giai đoạn khác nhau, chế độ ăn của Chihuahua sẽ có những yêu cầu khác nhau:

  • Từ 1 – 3 tháng tuổi: Đây là thời kỳ hệ tiêu hóa của giống chó này còn rất yếu ớt. Do đó, người nuôi chỉ nên cho chúng ăn những loại thức ăn mềm, lỏng đã được xay nhuyễn. Thức ăn nên chia thành nhiều bữa nhỏ mỗi ngày, thường là 4 bữa/ngày. Nếu chúng đã tách khỏi mẹ thì phải bổ sung thêm sữa ấm.
  • Từ 3 – 6 tháng tuổi: Lúc này, hệ tiêu hóa của Chihuahua đã có thể hấp thụ thêm nhiều chất dinh dưỡng. Bạn có thể bổ sung thịt cắt nhỏ vào khẩu phần ăn. Số bữa ăn cũng nên giảm xuống còn 3 bữa/ngày.
  • Từ 6 tháng tuổi trở đi: Đây là giai đoạn hệ tiêu hóa của Chihuahua đã hoàn toàn khỏe mạnh. Người nuôi nên tăng thêm một chút lượng thức ăn cho khẩu phần ăn nhưng không thêm quá nhiều. Chỉ cần cho ăn 2 bữa/ngày là hợp lý.

Ngoài các vấn đề nêu trên, việc vệ sinh sạch sẽ cùng cần đặc biệt lưu ý. Bạn cần đảm bảo thức ăn của Chihuahua luôn tươi mới, không có mùi lạ, không bị ôi thiu để giảm thiểu nguy cơ nhiễm các bệnh về đường ruột. Đồng thời, đảm bảo dụng cụ cho ăn, cho uống luôn sạch sẽ, không chứa các loại vi khuẩn và mầm bệnh.

Nếu nhà bạn nuôi nhiều loại chó khác ngoài Chihuahua thì nên đặt máng thức ăn của chúng ở riêng một góc, tránh trường hợp chúng tranh thức ăn và cắn nhau với các loại chó khác. Thức ăn và nước uống phải được thay mới mỗi ngày, không để thức ăn thừa lại trong máng.

Nếu cho ăn các loại thức ăn tổng hợp như các loại hạt khô thì chỉ nên đổ ít một mỗi lần cho ăn để tránh lãng phí thức ăn.

Tắm rửa cho chó

Giữ cho cơ thể Chihuahua luôn sạch sẽ, thơm tho là một việc vô cùng quan trọng. Khi vấn đề vệ sinh không được đảm bảo, cơ thể chó sẽ có mùi hôi thối. Đây sẽ là môi trường lý tưởng cho các loại vi khuẩn gây bệnh phát triển. Bạn nên duy trì tần suất tắm rửa 1 tuần/lần. Nếu thời tiết quá nóng, có thể tăng lên 2 lần/tuần. 

Bạn nên duy trì tần suất tắm rửa 1 tuần/lần

Khi tắm rửa cho chó nên sử dụng các loại sữa tắm chuyên để tránh nguy cơ kích ứng và rụng lông. Đồng thời, chuẩn bị sẵn khăn khô và máy sấy để giúp chúng làm khô lông phòng ngừa cảm lạnh hoặc viêm phổi.

Chihuahua có một bộ lông rất mềm mượt. Đối với giống lông ngắn, bạn chỉ cần dùng lược chuyên dụng để chải lông cho chúng thường xuyên, không cần cắt tỉa quá nhiều. Còn giống Chihuahua lông dài thì cần tỉa lông nhiều hơn, không nên để quá dài. Ngoài ra, vệ sinh răng miệng cũng là điều vô cùng cần thiết.

Sinh sản

Chihuahua bước vào thời kỳ động dục tương đối sớm. Nhưng con cái phải từ 15 tháng tuổi trở đi mới thích hợp để mang thai. Vì thân hình bé nhỏ nên việc mang thai đối với Chihuahua tương đối khó khăn và nguy hiểm. Trong suốt thời kỳ mang thai, chúng cần phải được chăm sóc cẩn thận và kỹ lưỡng, bổ sung thêm sắt và các chất dinh dưỡng khác.

Thời gian mang thai của Chihuahua không dài như con người. Tuy nhiên, quá trình này đối với chúng là cả một thử thách lớn. Người nuôi nên theo dõi sát sao và dẫn chúng đến bác sĩ thú y để khám thai định kỳ. Khi Chihuahua có dấu hiệu chuyển dạ, sắp sinh thì ngay lập tức đưa chúng đến bệnh viện thú y để được đỡ đẻ và chăm sóc.

Chihuahua có thể đẻ nhiều con trong một lứa

Sau khi sinh, thể trạng Chihuahua trở nên đặc biệt yếu ớt. Bởi vậy, người nuôi cũng cần chăm sóc tỉ mỉ hơn. Bổ sung thêm sắt, canxi, protein và một số loại khoáng chất khác vào khẩu phần ăn giúp chó mẹ lấy lại sức nhanh hơn. Tuy nhiên, thức ăn cũng nên lựa chọn những loại nhẹ nhàng, dễ tiêu hóa. 

Nếu bạn chỉ nuôi Chihuahua với mục đích làm cảnh thì tốt nhất nên mang chúng đi triệt sản để giúp chúng tránh được những rủi ro, nguy hiểm do mang thai và sinh đẻ.

Một số bệnh lý thường gặp

Do cấu tạo cơ thể, Chihuahua có nguy cơ mắc bệnh khá cao. Người nuôi cần quan sát chúng mỗi ngày để phát hiện ra bệnh sớm và chữa trị kịp thời.

Bệnh về hô hấp

Thân hình nhỏ bé giúp Chihuahua có khả năng di chuyển linh hoạt nhưng đồng thời cũng mang đến cho chúng rất nhiều bất lợi về sức khỏe. Do cấu tạo mũi Chihuahua khá ngắn khiến chúng hay bị mắc các vấn đề về hô hấp như thở khò khè hoặc ngáy khi ngủ, có khả năng bị ngạt thở khi bị buộc cổ bằng dây xích.

Bệnh về mắt

Thêm vào đó, Chihuahua cũng dễ bị mắc các bệnh về mắt như bệnh đục thủy tinh thể thứ cấp, bệnh màng sừng tuyến lệ,…do đôi mắt có kích thước to quá khổ so với khuôn mặt. Ngoài ra, chúng cũng có nguy cơ mắc các bệnh về răng lợi, xương khớp. Đặc biệt, chịu lạnh kém, dễ cáu bẳn, run rẩy khi căng thẳng.

Bệnh về đường ruột

Nếu môi trường sống hoặc nguồn thức ăn không sạch sẽ, Chihuahua còn có nguy cơ mắc các bệnh về giun sán. Do đó, người nuôi nên tiến hành tẩy giun định kỳ cho chúng. Duy trì tần suất tẩy giun 1 lần/tháng trong suốt 3 tháng đầu. Từ tháng thứ 4 trở đi, tiến hành tẩy giun 3 tháng 1 lần.

Chihuahua là giống chó yếu ớt, rất dễ bị bệnh và tổn thương

Bệnh tụt đường huyết

Ở độ tuổi dưới 3 tháng, Chihuahua có nguy cơ cao nhiễm bệnh tụt đường huyết. nguyên nhân chủ yếu là do người nuôi cho ăn thiếu bữa hoặc khẩu phần ăn không đáp ứng đủ các chất dinh dưỡng hoặc không cung cấp đủ năng lượng. Khi mắc phải căn bệnh này, Chihuahua thường có các biểu hiện như uể oải, mệt mỏi, lười vận động,…

Bệnh về da

Không chỉ Chihuahua mà hầu như tất cả các loại chó đều có nguy cơ mắc các bệnh về da. Bệnh này có thể do các ký sinh trùng như ve chó, chấy rận,..gây ra cũng có thể xuất phát từ chế độ ăn hoặc sữa tắm. 

Trong số các bệnh về da thì ghẻ lở là bệnh thường gặp nhất. Để phòng tránh, người nuôi cần phải giữ vệ sinh sạch sẽ cho thú cưng của mình. Kết hợp với việc vệ sinh môi trường và ổ chó thường xuyên.

Khi phát hiện cún cưng của bạn có dấu hiệu bị bệnh, bạn không nên tự chuẩn đoán và điều trị mà cần đưa chúng đến cơ sở thú y gần nhất để được bác sĩ chuẩn bệnh và đưa ra phương pháp điều trị tốt nhất.

Bên cạnh đó, để hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm bệnh và tăng sức đề kháng cho Chihuahua, bạn cần tiêm phòng đầy đủ các mũi cho chúng từ sau hai tháng tuổi.

Bảng giá chó Chihuahua

So với các giống chó lớn như Golden hay Becgie, Chihuahua được bán với giá tương đối rẻ. Hiện nay, trên thị trường, giá bán Chihuahua phổ biến dao động từ 1.500.000 đồng – 4.500.000 đồng. Mức giá này không cố định mà thay đổi tùy theo các yếu tố như độ tuổi, độ thuần chủng, ngoại hình, sự phổ biến,….

Giá bán Chihuahua phổ biến dao động từ 1.500.000 đồng – 4.500.000 đồng

Giá chó Chihuahua có nguồn gốc từ Thái Lan hay Châu Âu sẽ cao hơn khá nhiều so với giá những chú Chihuahua được lai tạo trong nước.

  • Chihuahua từ Thái Lan du nhập vào Việt Nam thường được bán với giá từ 5 – 10 triệu đồng. Cá biệt có những con được bán để làm giống với giá từ 10 – 15 triệu đồng. Ưu điểm của loại này là giá cả hợp lý, độ thuần chủng được đảm bảo, có nguồn gốc, giấy tờ đầy đủ.
  • Chihuahua có nguồn gốc từ Châu Âu được nhập khẩu vào Việt Nam thường được bán với giá rất cao, từ khoảng 20 triệu đồng trở lên. Với mức giá này, người mua sẽ được sở hữu một chú chó có độ thuần chủng 100%, chất lượng giống tốt, nguồn gốc cha mẹ rõ ràng, có đầy đủ giấy tờ và các loại giấy kiểm dịch khác.

Bảng giá trên chỉ mang tính chất tham khảo. Trên thực tế, giá bán Chihuahua rất vô hạn. Có những người chơi chó kiểng, sẵn sàng chi trả cả trăm triệu đồng để sở hữu một con chó vì ngoại hình hoặc nguồn gốc của chúng. Bởi vậy, các bạn nên tìm hiểu và cân nhắc thật kỹ thông tin trước khi quyết định “rinh” một em Chihuahua về nhà.

 

Hiện nay, cuộc sống ngày càng trở nên bận rộn và phức tạp, việc nuôi chó không chỉ đơn thuần là một thú vui tiêu khiển mà còn giúp con người có thêm một người bạn trung thành. Nếu bạn đang có ý định tìm người bầu bạn thì chó Chihuahua chính là một lựa chọn không tồi. 

Với thân hình nhỏ nhắn, tính cách tinh nghịch, chó Chihuahua hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn thêm niềm vui mỗi ngày. Chúc các bạn luôn vui vẻ và thành công!

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments