Top 5 điều cần biết về chó Phốc sóc & Giá bán

Chó Phốc sóc là giống chó rất dễ thương và ngày càng trở thành thú cưng được yêu thích. Tuy nhiên nuôi chó Phốc sóc cần chú ý những gì, chăm sóc ra sao, hãy cùng Osin thú cưng tìm hiểu từ A đến Z trong bài viết này nhé.

Nguồn gốc của chó Phốc sóc

Phốc sóc là giống chó thuộc họ Pomeranian, được mệnh danh là giống chó xinh đẹp và nổi tiếng hàng đầu, hình ảnh dễ thương lan tràn khắp mạng xã hội và nhận về hàng triệu sự yêu thích. Vóc dáng nhỏ bé, đôi mắt to tròn, bộ lông dài tha thướt, lúc nào cũng chạy nhảy nô đùa chính là điều làm điên đảo trái tim những người yêu động vật.

Ngoại hình đáng yêu của giống chó Phốc sóc

Nguồn gốc của Phốc sóc từ giống Spitz cổ đến từ các nước Trung Âu. Tổ tiên của Phốc sóc có thân hình khá to lớn, có thể lên đến 15kg, là những chú chó chăn cừu vô cùng hữu dụng. Sau đó được nữ hoàng Victoria mang về nuôi, lúc này chó Spitz được nhân giống và lai tạo với những nguồn gen khác để thu nhỏ kích thước của chúng. Qua nhiều thế hệ và nhiều lần lai tạo đã có kết quả giống Phốc sóc với dáng vẻ đáng yêu và nổi tiếng trên toàn thế giới.

Đặc điểm hình dáng chó Phốc sóc

Về kích thước

Kích thước Phốc sóc được xếp vào dạng Toy có nghĩa là giống chó nhỏ dưới 25cm. Chó Phốc sóc chỉ cao khoảng từ 15 đến 25cm, nặng từ 2 đến 4 kg. Một nhánh khác có kích thước lớn hơn, có thể cao khoảng 35cm và nặng tối đa tới 8kg, xuất hiện và được ưa chuộng hơn ở thị trường châu Âu.

Bộ lông Phốc sóc

Phốc sóc có bộ lông dài và rất mềm mại, chia thành hai lớp tương tự giống chó Alaska, Samoyed hay Husky. Lớp ngoài cứng, dài và thẳng, lớp trong thì ngắn, dày và mềm hơn. Phần lông ở cổ và ngực sẽ dài hơn các phần lông khác trên cơ thể. Đuôi Phốc sóc mềm mại, xù lên như một cây cọ, uốn cong lên lưng rất điệu đà và thu hút. Nhờ bộ lông này mà Phốc sóc ghi điểm từ cái nhìn đầu tiên, vừa nhỏ nhắn vừa mềm mại, lại ấm áp và dễ thương. Màu lông của Phốc sóc khá đa dạng, phổ biến nhất là màu trắng, ngoài ra còn có màu kem, nâu, đen, đỏ,…

Bộ lông Phốc sóc rất đa dạng màu sắc

Phần đầu Phốc sóc

Đầu và khuôn mặt Phốc sóc có nét tương đồng với loài cáo. Đầu hình nêm, mõm nhỏ và dài, mắt to và sáng vừa tinh khôn nhưng cũng rất đáng yêu. Đôi mắt hình quả hạnh, màu sẫm, long lanh khiến chúng ta không thể rời mắt. Tai chó Phốc sóc khá nhỏ, nhọn và luôn dựng đứng. Hàm răng và khuôn miệng nhỏ, mũi bé và luôn ươn ươn như tổ đậm thêm sự dễ thương và mềm mại của giống chó này.

Phân biệt chó Phốc sóc và chó Chihuahua

Đều có ngoại hình nhỏ bé và xinh xắn, khá nhiều người nhầm lẫn giữa chó Phốc sóc và chó Chihuahua. Tuy nhiên thực tế lại khá dễ phân biệt hai giống chó này, đặc biệt khi chú ý vào phần đầu. Chó Chihuahua có phần xương sọ đầu lõm, phần lõm này khá rõ khi còn nhỏ, khi trưởng thành sẽ bớt lõm hơn. Bên cạnh đó, mặt Phốc sóc nhỏ hơn, cân đối với cơ thể hơn còn chó Chihuahua có phần đầu khá to, mõm ngắn khiến tổng thể không tạo được sư đáng yêu như Phốc sóc.

Nếu có thời gian chăm sóc, tìm hiểu về Phốc sóc và Chihuahua bạn sẽ thấy rõ ngoại hình của hai giống chó này hướng đến hai kiểu dễ thương hoàn toàn khác biệt. Chó Phốc sóc nghiêng về vẻ đẹp mềm mại, đáng yêu, xinh xắn trong khi đó Chihuahua trông hài hước, lanh lợi và gương mặt “tấu hài” hơn.

Đặc điểm tính cách chó Phốc sóc

Thông minh, sôi nổi và nghịch ngợm

Phốc sóc có ngoại hình nhỏ bé nhưng lại rất nhanh nhẹn và năng động. Chúng sẽ chạy nhảy suốt ngày, thích nô đùa và cực kỳ hiếu động. Bản tính nghịch ngợm khiến Phốc sóc rất hợp chơi với trẻ con.

Bên cạnh đó Phốc sóc cũng rất thông minh và dễ bảo. Hướng dẫn, huấn luyện một bé Phốc sóc khá dễ dàng, những trò chơi như bắt tay, chào hỏi, bắt bóng,… chúng đều có thể học cực nhanh và thực hành ngay sau đó. Chăm sóc các bé Phốc lâu ngày cũng sẽ nhận ra giống chó này còn rất tình cảm và thấu hiểu. Chúng trở thành người bạn đồng hành, có thể mua vui cho bạn, giúp tâm trạng bạn tốt hơn, cũng có lúc sẽ im lặng nằm bên cạnh, sự an ủi không lời này vừa đáng yêu vừa nhẹ nhàng.

Phốc sóc rất ưa chạy nhảy hiếu động

Tuy nhiên không phải như vậy mà việc huấn luyện Phốc sóc trở nên nhẹ nhàng. Chúng khá hiếu động và nhí nhảnh, đôi khi là hơi tăng động. Vì vậy để việc huấn luyện đi vào bài bản, ngay từ đầu nên nghiêm khắc. Nếu không chúng có thể sẽ sủa liên tục không ngừng, khó hòa thuận với các vật nuôi khác trong nhà. Chó Phốc sóc nếu bị chiều chuộng quá đà, có thể trở nên hơi hung hăng và đành hanh, như vậy về sau sẽ rất khó dạy bảo.

Độc lập và có thể tự chơi một mình

Phốc sóc tuy rất thân thiện và tình cảm nhưng lại là giống chó không quá bám chủ. Vì vậy nên chúng vẫn có thể thoải mái tự chơi đùa ngay cả khi một mình, chỉ cần có vài món đồ chơi và không bị nhốt trong không gian quá hẹp. Do đó Phốc sóc hợp với nhiều đối tượng, ngay cả khi bạn bận rộn công việc vẫn có thể chọn nuôi giống chó này, chúng biết tự tìm niềm vui và luôn sẵn sàng đón bạn về nhà với sự tinh nghịch và đáng yêu nhất.

Cảnh giác cao độ với những thay đổi

Chó Phốc sóc khá cảnh giác với những điều xảy ra xung quanh. Chúng không dễ chơi với người lạ, càng không dễ theo người lạ, Khá khó để dụ dỗ một bé Phốc sóc nên không quen biết từ trước. Chúng cũng có thể trở nên hung dữ khi bị cưỡng ép.

Chó Phốc sóc khá cảnh giác với những điều xảy ra xung quanh

Đối với các vật nuôi chung sống cùng, Phốc sóc đôi khi không được thân thiện và có chiều hướng phân chia lãnh thổ, đặc biệt khi chúng là “ma cũ”. Phốc sóc không thích chia đồ chơi, không thích bị chiếm những thứ từng là của mình, vì vậy đôi khi không hòa thuận lắm với các vật nuôi khác. Vì vậy khi nuôi nhiều hơn một chú Phốc sóc, bạn cần lưu ý để không xảy ra tranh chấp, không khiến chúng đánh nhau hay cắn nhau vì thể lực Phốc sóc không quá tốt.

Cách nuôi và chăm sóc Phốc sóc

Thể chất của Phốc sóc

Chó Phốc sóc khá khó tính trong việc lựa chọn ăn uống, chúng kén ăn nên nếu chọn đồ ăn không phù hợp chúng có thể nôn mửa, bỏ bữa khiến sức khỏe đi xuống, rụng lông nhiều,… Ngoài ra Phốc sóc cũng dễ bị các vấn đề như trật xương khớp gối, bệnh tim, đau mắt, sâu răng,… Vì sức khỏe Phốc sóc không quá tốt, nên trong quá trình chăm sóc sẽ tốn nhiều công sức hơn các giống chó khác. Nên cho chúng ăn thức ăn khô dành cho chó, xương sữa cứng giòn để giúp răng lợi khỏe hơn, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng.

Bên cạnh đó bạn cũng cần lưu ý vì chó Phốc sóc có kích thước nhỏ nên khi sinh thường phải sinh mổ. Do đó cả cún mẹ và cún con đều cần được chăm sóc thật cẩn thận sau sinh. Bộ lông dài và dày của Phốc sóc cũng cần được chải chuốt và tắm gội thường xuyên, giữ vệ sinh cơ thể cho giống chó này là vô cùng cần thiết để chúng được khỏe mạnh và năng động như bản tính vốn có.

Chi tiết về thức ăn

Phốc sóc kén ăn nên cần chọn các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, chế biến thơm ngon và hấp dẫn. Chó Phốc rất thích ăn thịt, nội tạng, các loại cá và trứng, cung cấp đầy đủ đạm cho cơ thể. Những loại thức ăn này cũng chứa nhiều protein, chất béo giúp Phốc sóc phát triển toàn diện và tránh các loại bệnh tật.

Thức ăn đủ chất dinh dưỡng và được nghiền nhỏ là phù hợp nhất cho hệ tiêu hóa của Phốc sóc

Thêm vào đó cũng nên bổ sung rau và cơm để thực đơn của Phốc sóc được đầy đủ cả tinh bột, vitamin. Không cho Phốc sóc ăn dầu mỡ để tránh trường hợp chúng bị rối loạn đường tiêu hóa và ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, cũng hạn chế đường sữa vì đường ruột của giống chó này rất nhạy cảm, rất dễ bị đau bụng. Ngoài ra không được cho Phốc sóc ăn xương cứng, rất có hại cho răng miệng và dạ dày của loài chó này.

Phốc sóc là giống chó nhỏ vì vậy lượng thức ăn mỗi ngày không cần nhiều nhưng phải đảm bảo chất lượng. Một bé Phốc sóc trưởng thành mỗi ngày chỉ cần ăn 2 bữa, cún nhỏ cần nhiều thức ăn và chia làm nhiều bữa hơn. Lượng thức ăn đưa vào vào cơ thể đảm bảo bằng từ 3% tới 4% trọng lượng là đủ. Bên cạnh đó cũng cần đảm bảo lượng nước, Phốc sóc cần uống đủ nước để tránh bị táo bón.

Về điều kiện sống

Phốc sóc là loài chó hiếu động nhưng không quá cần không gian rộng. Vì vậy có thể nuôi chúng ở trong sân, trong nhà, chuẩn bị một vài món đồ chơi để chúng tự tìm niềm vui. Cuối tuần có thể đưa chúng đi dạo, đến công viên chơi, nuôi Phốc sóc cũng như nuôi một đứa trẻ, nên bạn càng gần gũi bao nhiêu, chúng sẽ càng quấn chủ và thân thiện bấy nhiêu.

Với bộ lông dài và dày, Phốc sóc rất sợ nóng. Chúng không chịu được nhiệt độ cao, cơ thể nhỏ bé cũng dễ bị ảnh hưởng bởi biến động thời tiết. Vì vậy trong những ngày nắng nóng cần đảm bảo chúng được uống đủ nước, cho chúng vào trong nhà với điều hòa nhiệt độ là tốt nhất.

Chăm sóc Phốc sóc cần chú ý những gì?

Để chăm sóc một bé Phốc sóc thật tốt, bạn cần lưu ý những điều quan trọng sau đây. Thứ nhất hàng ngày cần chải lông cho Phốc sóc để bộ lông được mượt mà và loại bỏ những phần lông rụng. Như vậy nếu bé xảy ra tình trạng rụng lông quá nhiều sẽ sớm phát hiện để có biện pháp kịp thời. Vào mùa hè nóng nực thì nên tỉa lông để Phốc sóc thấy dễ chịu hơn.

Mùa hè nên chải và tỉa lông thường xuyên để Phốc sóc cảm thấy dễ chịu

Thường xuyên tắm cho Phốc sóc, lưu ý nên chọn loại xà bông nhẹ dịu, không nên chọn loại mùi quá nồng. Sau khi tắm sấy khô bộ lông, lông ướt dễ làm Phốc sóc bị cảm và dính bụi bẩn lúc chạy nhảy xung quanh gây ra mùi khó chịu.

Thường xuyên vệ sinh mũi để tránh chúng bị các bệnh về đường hô hấp. Định kỳ thực hiện việc tẩy giun sán, nên đưa Phốc sóc đến các cơ sở thú y để kiểm tra nếu phát hiện chúng có các biểu hiện của chán ăn, nôn ói, không đi vệ sinh được,…

Nên để Phốc sóc ngủ trong lồng nhỏ, không nên nuôi Phốc sóc chung với quá nhiều thú cưng khác tránh xảy ra tranh chấp và va chạm. Vì chúng cũng trở nên khá “đanh đá” khi cảm thấy lãnh thổ của mình bị xâm phạm.

Tóm lại Phốc sóc là một giống chó rất đáng yêu với cơ thể nhỏ bé và khá yếu ớt. Phốc sóc không đòi hỏi chủ phải thật am hiểu về chó mới có thể nuôi dưỡng và chăm sóc nhưng chúng cần được quan tâm khá nhiều đến sức khỏe. Vì vậy khi chọn nuôi Phốc sóc, bạn nên có sự tìm hiểu về các dấu hiệu căn bệnh mà Phốc sóc có thể gặp phải. Cùng với đó là quan sát, theo dõi và quan tâm đến các bé đúng mực. Phốc sóc sẽ rất ngoan và đáng yêu khi có một người chủ gần gũi và chăm sóc chúng đúng cách.

Một số bệnh chó Phốc sóc thường gặp phải

Bệnh đục thuỷ tinh thể

Chó Phốc sóc có đôi mắt lồi nên dễ bị bệnh đục thủy tinh thể. Nguồn bệnh có thể từ bẩm sinh hoặc do xảy ra các tai nạn liên quan đến mắt. Dấu hiệu nhận biết Phốc sóc của bạn mắc căn bệnh này đó là khi mắt cún bị đổi màu, con ngươi bị đục lại, có một lớp màng mỏng, hoặc mắt sưng đỏ lên. Lúc này Phốc sóc sẽ có tầm nhìn rất yếu, thường xuyên vấp té hay đâm vào các vật thể khác, thường xuyên dụi mắt. Cần đưa bé đến các cơ sở về thú y khám ngay khi có những triệu chứng này nhé.

Bệnh tràn dịch khí quản

Đặc trưng của các giống chó nhỏ là phần sụn khí quản mỏng nên rất dễ bị tổn thương. Nếu xảy ra tai nạn hay va chạm mạnh, thậm chí dây xích quá chật cũng có thể làm phần sụn này nứt gãy. Lúc này Phốc sóc sẽ thường xuyên ho và bắt đầu có biểu hiện khó thở, hơi thở khò khè chứng tỏ bệnh đã trở nặng. Có thể cho cún uống thuốc nếu bệnh nhẹ, còn nếu thấy Phốc sóc hô hấp khó khăn, phải mang ngay đi phẫu thuật để đảm bảo không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Bệnh béo phì

Phốc sóc khi mắc béo phì sẽ tăng cân rất nhanh, tăng một cách mất kiểm soát. Tuy béo phì không gây ra nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại là nguy cơ dẫn đến rất nhiều các căn bệnh nguy hiểm khác.

Béo phì sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy cho sức khỏe Phốc sóc

Nguyên nhân dẫn đến béo phì chủ yếu là do chế độ ăn không phù hợp, quá nhiều chất béo, quá nhiều đạm trong khi cún không hoạt động, chạy nhảy nhiều, năng lượng từ thức ăn bị dư thừa nên mới dẫn đến tăng cân. Vì vậy khi thấy Phốc sóc có dấu hiệu béo phì, bạn cần điều chỉnh chế độ ăn, cho bé vận động nhiều hơn, từ đó giảm cân dần dần để trở về cân nặng phù hợp và khỏe mạnh.

Bệnh hạ đường huyết

Bệnh hạ đường huyết rất dễ xảy ra ở các giống chó có kích thước nhỏ và sức khỏe khá yếu như Phốc sóc. Đây là một dạng rối loạn chuyển hóa, và sẽ rất nguy hiểm nếu không phát hiện kịp thời, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng bé cún của bạn. Vì thế hãy lưu ý những dấu hiệu bệnh hạ đường huyết như Phốc sóc đột nhiên run rẩy, co giật, mắt đảo liên tục, bốn chân mềm nhũn,… 

Lúc này cần cho bé ngay lập tức ăn đồ ngọt như kẹo, mứt, mật ong để tăng đường huyết. Nếu bé cún bị nặng hơn nên nhanh chóng đưa đến bác sĩ thú ý để chữa trị kịp thời. Sau đó nên cho bé khẩu phần ăn chứa nhiều đường và tinh bột hơn, chia làm nhiều bữa nhỏ trong ngày để hạn chế việc bé bị hạ đường huyết đột ngột.

Giá bán Phốc sóc khoảng bao nhiêu?

Nếu có ý định mua một bé Phốc sóc, bạn có thể yên tâm giá của bé khá dễ chịu. Hiện nay vì nhận được sự yêu mến rất lớn nên việc mua Phốc sóc trở nên khá dễ dàng, hầu hết các cơ sở bán thú cưng đều sẵn sàng các bé Phốc sóc cho bạn lựa chọn.

Chó Phốc sóc có giá giao động từ 6 – 10 triệu đồng tùy loại

Một bé Phốc sóc màu trắng – là loại phổ biến nhất có giá dao động từ 6 triệu đến 8 triệu đồng. Các bé Phốc sóc Party có giá nhỉnh hơn một chút khoảng 7 đến 9 triệu đồng. Phốc sóc lông đen giá dao động từ 8 đến 10 triệu. Còn các bé Phốc sóc có màu lông độc đáo như màu vàng kem thường có giá từ 8 đến 9 triệu đồng.

 

Bạn hãy tìm hiểu kĩ lưỡng trước khi quyết định “tậu” về cho mình một bé Phốc sóc nhé. Chúc bạn sẽ có được một bé cún cưng thật xinh xắn, dễ thương và khỏe mạnh.

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments